Trong thời đại số hóa, công nghệ thông tin đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, và giáo dục cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc ứng dụng CNTT vào dạy học đã và đang mang lại những hiệu quả đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội - điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn giáo dục trong và ngoài nước những năm qua. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập là những xu thế tất yếu của giáo dục. Theo Chỉ thị 29/2001/CT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo cũng đã nêu rõ: “Đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương pháp, phương thức dạy và học. Công nghệ thông tin là phương tiện để tiến tới một xã hội học tập”. Việc ứng dụng CNTT vào trong công tác giảng dạy giúp quá trình dạy và học trở nên hiệu quả hơn, tạo ra những trải nghiệm học tập sâu sắc và đáng nhớ cho học sinh. Nó tạo điều kiện cho người học tiếp cận được kiến thức mọi lúc, mọi nơi, tìm kiếm nguồn tài liệu một các dễ dàng và từ đó thúc đẩy việc học tập tự chủ, độc lập và sáng tạo.
Trong những năm gần đây, trường Tiểu học Hải Thành đã xác định mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới phương thức học tập sáng tạo, phòng học thông minh, xây dựng nền tảng giáo dục trực tuyến giúp giáo viên và học sinh tiếp cận với những chương trình học tập mang tính thời đại mới. Qua quá trình nghiên cứu tìm tòi tôi nhận thấy rằng việc ứng dụng CNTT vào trong công tác giảng dạy tại lớp mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Trong bài viết này tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc thực hiện ứng dụng CNTT vào trong công tác giảng dạy tại trường, lớp mình, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy hiệu quả hơn.
1. Sử dụng những hình ảnh minh họa cho nội dung bài học
Hình ảnh đều được con người cảm nhận bằng thị giác, chúng ta thấy được thông tin rồi sau đó chuyển về não để cảm nhận một cách chân thực nhất. Chính vì vậy, tranh ảnh mang cái nhìn trực quan và cụ thể nhất đến với học sinh, giúp học sinh dễ tiếp thu trong quá trình nhận thức, hỗ trợ cung cấp kiến thức và giảm tính trừu tượng của kiến thức. Việc sử dụng tranh ảnh trưng bày theo truyền thống sẽ khó bảo quản, tốn kém và cồng kềnh. Vì lẽ đó, ứng dụng CNTT để trình chiếu các hình ảnh sẽ có được nhiều hình ảnh đẹp, chân thật và sống động mà lại dễ dàng lưu trữ. Ví dụ: Trong bài tập đọc “Hang Sơn Đoòng - Những điều kì thú”, tôi đưa ra hình ảnh bản đồ Việt Nam, những hình ảnh về hang động, kì quan thiên nhiên của nước ta trên khắp miền Tổ quốc để dẫn dắt học sinh vào bài. Trong hoạt động giải nghĩa của từ, tôi sử dụng những hình ảnh giới thiệu về hang Sơn Đoòng để học sinh hiểu và dễ hình dung hơn.


Một số hình ảnh minh họa cho bài học.
Việc trình chiếu hình ảnh sẽ giúp học sinh dễ dàng tiếp thu các kiến thức đồng thời khơi gợi sự húng thú, tự tìm tòi của học sinh, giúp phát triển các năng lực và phẩm chất của học sinh đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
2. Sử dụng các clip minh họa cho bài học
Ngoài tranh ảnh thì các đoạn clip cũng là một trong những phương tiện giúp học sinh có hứng thú hơn trong học tập vì nó mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Kết hợp các thiết bị dạy học hiện đại, phần mềm Powerpoint, các video khơi gợi lên cảm xúc của học sinh đối với nội dung bài học, đồng thời minh họa cụ thể, sâu sắc và sinh động kiến thức cho học sinh góp phần tạo nên thành công cho bài giảng, giúp tiết học trở nên nhẹ nhàng và sâu lắng hơn. Ví dụ: Trong bài “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, sau khi dạy xong hết bài, tôi có thể cho học sinh nghe bài hát “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, khí thế hào hùng của lời bài hát cùng những hình ảnh minh hoạ trong bài hát sẽ khắc sâu hơn kiến thức cho học sinh, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú trong giờ học, làm cho giờ học Lịch sử sẽ bớt nhàm chán bởi những con số và sự kiện.

Các em học sinh chăm chú quan sát và lắng nghe những dữ kiện lịch sử trong bài “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.
Tuy nhiên, trong một bài học không nên dùng quá nhiều video bởi như vậy sẽ gây mất thời gian của tiết học, lấn sang các phần chính của bài mà kết quả thu được không cao, học sinh sẽ không thể nào nhớ hết được và cũng không có khả năng nhận biết được video nào quan trọng nhất để tập trung sự chú ý vào.
3. Sử dụng Trò chơi học tập trong các hoạt động
Trước đây, việc sử dụng trò chơi bằng hình thức thủ công như bìa, tranh vẽ, mang tính truyền thống tôi thấy học sinh rất hứng thú song không áp dụng được nhiều vì vấn đề vật liệu, thời gian và độ phong phú, đa dạng. Hiện nay, bằng việc sử dụng các hiệu ứng trong giáo án điện tử để tạo thành trò chơi trong học tập, tôi đã có những nguồn tài nguyên đa dạng với các dạng câu hỏi, dạng bài tập khác nhau được lồng ghép vào trò chơi học tập. Qua trò chơi, học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên đồng thời qua trò chơi phát triển sự tự giác, tự chủ của học sinh. Ví dụ: Trong tiết Sinh hoạt theo chủ đề: “Tiến bước lên Đoàn” tôi sử dụng hiệu ứng để tạo trò chơi mang tên “Phủ xanh đồi trọc” để cho học sinh thực hiện sau khi tìm hiểu các thông tin, củng cố lại kiến thức mà học sinh đã học. Nhiệm vụ của các em học sinh khi tham gia chơi là lựa chọn và tìm đáp án cho mỗi chướng ngại vật, với mỗi câu trả lời đúng, các em sẽ thu thập được những mầm cây tươi tốt để phủ xanh đồi trọc. Xen kẽ qua bộ câu hỏi, tôi tiếp tục cung cấp thêm chi tiết thông tin để giúp các em được hiểu sâu hơn về nội dung của bài.


Các silde minh họa trò chơi học tập “Phú xanh đồi trọc”
Việc sử dụng các trò chơi học tập xen kẽ vào trong các hoạt động của tiết dạy giúp tiết học trở nên sôi nổi, hào hứng hơn, học sinh được luyện tập, củng cố lại kiến thức đã học một cách dễ dàng, hiệu quả và không nhàm chán.
4. Ứng dụng các phần mềm dạy học và kiểm tra trực tuyến
Với việc giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ thì các phần mềm dạy học trực tuyến đã mang lại rất nhiều tiện ích. Học sinh có thể tự do khám phá, học hỏi thông qua các học liệu trực tuyến, các em có thể học được mọi lúc, mọi nơi và lựa chọn những cách tiếp cận kiến thức theo cá nhân mình. Có thể kể đến như: Bài giảng E-learning, phần mềm Kahoot, phần mềm GoAnimate,...
* Bài giảng E-learning: E-learning là hình thức học sinh sử dụng máy tính để tự học các bài giảng mà giáo viên đã soạn sẵn, hoặc xem các đoạn phim về các tiết dạy của giáo viên, hoặc có thể trao đổi trực tuyến với giáo viên thông mạng Internet. Việc này giúp học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với bài học hơn, có thể tự học bằng cách xem lại bài giảng nhiều lần để khám phá kiến thức. Qua đó, phát triển năng lực tự chủ cho học sinh.


Một số bài giảng lớp 5 được đăng tải trên kênh Youtube giúp học sinh có thể dễ dàng xem lại bài và ôn luyện
* Phần mềm GoAnimate: Ngoài các học liệu theo chương trình SGK, với phần mềm này tôi đã tạo ra được video hoạt hình có hoạt động của nhân vật, có âm thanh lời nói và phụ đề với nội dung tương tự hoặc thêm/bớt phù hợp với trình độ của học sinh. Việc này giúp học sinh luôn cảm thấy sự mới mẻ, kích thích sự tò mò cho học sinh thay vì những học liệu nhàm chán, sẵn có trong SGK.

* Phần mềm Google Classroom: Đây là một nền tảng học tập trực tuyến miễn phí của Google, cho phép giáo viên tạo bài giảng, giao bài tập, thu thập bài tập và quản lý lớp học. Với phần mềm này, giáo viên và học sinh có thể tiết kiệm thời gian và công sức trong việc quản lý lớp học, giao tiếp và tương tác với nhau một cách dễ dàng, hiệu quả hơn qua các bài đăng, nhận xét, tin nhắn và bình luận.

* Phần mềm Kahoot: Phần mềm giúp tôi tạo ra một bộ câu hỏi đầy đủ, đa dạng các dạng bài tập mà không tốn nhiều thời gian. Sử dụng Kahoot giúp học sinh cả lớp tham gia cùng một lúc và giáo viên không cần phải chờ câu trả lời của học sinh để bấm kết quả vì khi tất cả người chơi đều đã trả lời thì hệ thống sẽ tự động báo kết quả. Chuyên nghiệp hơn, học sinh tham gia thi trả lời câu hỏi thì điểm số được cộng dồn và được xếp hạng từ cao đến thấp sau mỗi lượt câu hỏi. Việc đó giúp học sinh tự đánh giá được năng lực của bản thân, biết mình đang ở vị trí nào và sẽ cố gắng hơn ở những câu hỏi tiếp theo. Phần mềm này có thiết kế âm thanh và ảnh minh họa rất sôi nổi, hấp dẫn giúp cho học sinh tập trung và hứng thú hơn vào vận dụng kiến thức. Đặc biệt, sự kết hợp giữa phần mềm Kahoot và Phòng học thông minh mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả giáo viên và học sinh, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động, tích cực, thay vì tiếp thu thụ động như phương pháp giảng dạy truyền thống, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.


Tiết học kết hợp giữa phần mềm Kahoot và Phòng học thông minh.
* KẾT LUẬN
Ứng dụng CNTT vào trong công tác giảng dạy sẽ giúp giáo viên, học sinh tạo được sự tự tin khi bước vào hoạt động học, từ đó, các em tích cực chủ động tìm hiểu kiến thức và hăng hái hơn trong mỗi tiết học. Với sự hỗ trợ từ phương tiện dạy học là công nghệ thông tin sẽ đưa các em đến với kiến thức mới một cách tự nhiên hơn. Bài dạy của giáo viên dễ hiểu hơn, sâu sắc hơn và kiến thức được mở rộng hơn. Dần dần hình thành ý thức tự học, hứng thú học tập, kích thích tinh thần ham học hỏi ở học sinh. Việc ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả giáo viên, học sinh và nhà trường. Để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự đầu tư thích đáng vào cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên và xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, sự đầu tư đúng mức để tạo ra một môi trường học tập thuận lợi cho học sinh. Nhìn chung, ứng dụng CNTT vào trong công tác giảng dạy tại lớp đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể và là một xu hướng không thể phủ nhận. Việc tiếp tục khai thác và phát triển ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy sẽ đem lại những tiềm năng và cơ hội mới cho việc nâng cao chất lượng giáo dục trong thời đại 4.0./.
Đỗ Thị Tuyết Ngân - Trường Tiểu học Hải Thành